CHẤT LƯỢNG GIEO THƯƠNG NHỚ
193 Trần Phú, P. Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng - 0903 36 37 99 - 0263 62 61 077

Chùa A Di Đà

Administrator

08 Tháng Ba 2020

Không có phản hồi

Chùa A Di Đà tọa lạc tại thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây cách thành phố Bảo Lộc khoảng gần 30km. Đây còn được biết đến là một buôn làng của người dân tộc Châu Mạ với cái tên Đăng Đừng. Vậy nên chùa còn được người dân đại phương gọi là chùa Đăng Đừng.

 

 

Để đến chùa, bạn hãy hỏi đường đi về phía thác Đamb’ri từ trung tâm thành phố. Tiếp đó hãy chú ý biển báo và rẽ phải vào Hoa Viên Địa Tạng Vương và đi thẳng men theo con đường đất đỏ khoảng 5km là bạn có thể đến được chùa Đăng Đừng. Trên đường đi bạn có thể ghé thăm những thắng cảnh tuyệt vời như thác Đamb’ri, nông trường trà Tam Dương, Thịnh Thái, …

 

 

Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 2005 với diện tích ban đầu lên đến 13ha. Đây là một công trình kiến trúc Phật Giáo độc đáo lớn nhất tại Bảo Lộc, là sự kết hợp từ phong cách Châu Mạ và kiến trúc Tây Nguyên cổ truyền. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi sinh hoạt và tu tập của đạo tràng Phật tử đến từ các dân tộc trong vùng.

 

 

Điểm ấn tượng đầu tiên của bất kì du khách nào khi đặt chân tới chùa chính là những đồi chè xanh ngát. Vốn nổi tiếng với nghề trồng chè truyền thống, tại đây các cánh đồng chè bạt ngàn bao la đã phủ xanh toàn bộ khuôn viên chùa Di Đà. Cổng chùa được xây theo lối tam quan với 3 cửa tạo thành từ 4 cột chống màu vàng. Bên trên là mái ngói có màu đỏ gạch được tạo hình như những ngôi nhà Rông Tây Nguyên. Đường lên cổng chùa bạn phải bước lên các bậc đá vàng, dọc hai bên là những ngọn đèn và hang cau thẳng tắp vô cùng đẹp.

 

 

Đi vào sâu bên trong chùa là một khuôn viên rộng lớn được trang trí bằng nhiều tiểu cảnh, hồ sen và các công trình độc đáo. Từ cổng chùa đi vào, ngay bên trái bạn sẽ thấy một hồ nước lớn có ngôi điện thờ màu đỏ độc đáo. Nhìn ngôi điện này chắc chắn bạn sẽ liên tưởng ngay đến Chùa Một Cột nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội. Để đi ra điện bạn sẽ phải đi qua một cây cầu gỗ nhỏ vô cùng mộc mạc, giản dị.

 

 

Gần đó là chính điện chùa. Đường lên chính điện được đặt hai chú voi lớn đối diện nhau vô cùng uy nghiêm. Đây cũng là loài vật biểu tượng cho nền văn hóa Tây Nguyên. Phía trước chính điện là khoảng sân rộng được trang trí hình tròn chính giữa với các họa tiết tương tự như trống đồng Đông Sơn. Chính điện có màu đỏ chủ đạo, được xây theo lối kiến trúc nhà Rông độc đáo với mái nhà cao vút. Trên đỉnh có kết hợp trang trí họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” vô cùng phổ biến trong lối kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

 

 

Người Tây Nguyên quan niệm nhà Rông là nơi quan trọng nhất trong làng. Theo quan niệm của người dân địa phương, đây chính là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo vệ cho cả làng. Nhà Rông là niềm tự hào, sự vinh quang kiêu hãnh mang giá trị tâm linh vô cùng to lớn. Có lẽ cũng vì vậy mà chính điện được xây dựng theo kiến trúc nhà Rông, nhưng vẫn kết hợp hài hòa cùng những hình ảnh quen thuộc của dân tộc Việt Nam.

 

 

Không chỉ có vậy, các công trình tại đây cũng được trang trí một cách tinh xảo và đầy ý nghĩa. Du khách sẽ thường xuyên bắt gặp các hoạ tiết như chim hạc, cò bay phượng múa, dã gạo thổi kèn hay những hoạ tiết mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, cũng như văn hoá Tây Nguyên nói riêng. Phía sau chùa là khách đường, trai đường dành cho khách du lịch Bảo Lộc nghỉ chân khi đi tham quan.

 

 

Khuôn viên chùa được thiết kế bằng các lối đi bộ trên cỏ, các cây cảnh, hồ nước, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca Mâu Ni dưới gốc bồ đề,… Tất cả khiến cho bạn như lạc vào chốn tiên cảnh, đem đến sự bình an và thanh tịnh.

Trả lời